Chiếc ổ cứng đầu tiên trên thế giới được sản xuất từ năm 1956 có kích thước của một chiếc tủ lạnh. Suốt gần 60 năm qua, công nghệ không chỉ tập trung phát triển để nâng cao dung lượng, độ bền mà còn chú trọng đến việc thiết kế và trọng lượng của ổ cứng. Ngày nay, những chiếc ổ cứng gắn ngoài ngày càng tinh gọn và tiện lợi hơn.
Nếu bạn đang sở hữu một chiếc ổ cứng dung lượng 1TB, thì đó là một tài sản khổng lồ nếu quay lại 30 năm về trước. Theo Statistic Brain, vào thời điểm ấy khi mà giá trị của 1 Gigabyte (GB) là 193.000 USD, để lưu trữ một bài hát người dùng sẽ mất một khoản tiền xấp xỉ 1.000 USD. Sau thời gian hơn ba thập kỷ cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngày nay, để sở hữu 1 GB, số tiền bỏ ra chỉ là 0,03 USD.
Từ kích thước của một chiếc tủ lạnh
Ổ cứng IBM Model 350 đang được chuyển lên máy bay.
IBM Model 350 là chiếc ổ cứng đầu tiên do IBM sản xuất vào năm 1956. Mặc dù công nghệ ổ cứng vẫn tiếp tục phát triển, nhưng cho đến tận những năm 1980, những ổ cứng tiên tiến nhất vẫn được sản xuất dựa trên khái niệm "to hơn - tốt hơn". Với chiếc ổ cứng này, sẽ cần đến một căn phòng khá rộng rãi để có thể sử dụng nó.
"Kích thước tủ lạnh" là một từ rất phổ biến trong ngành công nghiệp ổ cứng, dùng để miêu tả kích thước chiếc ổ cứng Gigabyte đầu tiên IBM 3380 với dung lượng 2,52 GB. Chiếc ổ cứng này tách riêng với máy tính, nặng đến 250 kg và có giá 40.000 USD.
Ổ cứng Gigabyte đầu tiên IBM 3380.
Năm 1998 đánh dấu một cuộc cách mạng trong nền công nghiệp máy tính khi USB được giới thiệu lần đầu tiên. Công nghệ mang tính đột phá này cho phép bất kỳ một thiết bị ngoại vi nào cũng có thể kết nổi với máy tính thông qua một cổng giao tiếp duy nhất. Đây cũng chính là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của những ổ cứng di động sau này.
Cuộc cách mạng về dung lượng
Ổ cứng đầu tiên năm 1956 chỉ có thể lưu trữ 5 MB dữ liệu, đó đã là một con số rất lớn vào thời điểm đó. Đây cũng là dung lượng của chiếc ổ cứng "nhỏ" đầu tiên với kích thước 5,25 inch được ra mắt năm 1980. Mười năm sau đó, một ổ cứng thông thường có dung lượng khoảng 40 MB, nếu bỏ ra nhiều tiền hơn thì có thể tăng lên đến 100 MB.
Phải mất đến 50 năm, dung lượng ổ cứng mới đạt được con số 1 TB. Nhưng thời gian ngắn sau đó, con số này đã được nhân đôi với sự ra mắt của ổ cứng WD Caviar Green 2 TB (2010). Hiện tại, dung lượng tối đa mà một chiếc ổ cứng có thể đạt được đã lên đến con số 10 TB, gấp 10 triệu lần so với chiếc ổ cứng đầu tiên với ổ cứng HelioSeal sử dụng khí Heli để làm mát do hãng HGST, một công ty con của Western Digital sản xuất.
WD Passport đánh dấu thời kỳ siêu nhỏ gọn của ổ cứng với hình dạng bằng một cuốn hộ chiếu và chỉ nặng 277g, với dung lượng từ 40GB đến 80GB.
Ổ cứng gắn ngoài di động nhanh chóng trở nên phổ biến, đặc biệt với những người làm việc tại nhà và văn phòng, hay những sinh viên cần dữ liệu sẵn có của họ để sử dụng trên nhiều máy tính ở những địa điểm khác nhau. Người dùng không còn phải đem theo hàng tá tập tài liệu hay đĩa CD bên mình nữa.
Những năm qua, công nghệ không chỉ tập trung phát triển để nâng cao dung lượng, độ bền mà còn chú trọng đến việc thiết kế và trọng lượng của ổ cứng. Ngày nay, những chiếc ổ cứng gắn ngoài ngày càng tinh gọn và tiện lợi hơn.
Năm 2014 đã đánh dấu mốc quan trọng cho dòng sản phẩm My Passport của WD, hãng tiên phong trong lĩnh vực công nghệ lưu trữ. Để kỷ niệm 10 năm ra mắt, WD đã tung ra thị trường hai phiên bản màu Champagne và Metal với thiết kế thời trang.
Giá thành rẻ hơn gần 6 triệu lần
Ổ đĩa đầu tiên, IBM 350 không phải là một ổ cứng mà người dùng có thể sở hữu cho riêng mình, thậm chí nếu bỏ nhiều tiền ra không hẳn đã mua được nó. Khách hàng phải thuê máy tính IBM 305 RAMAC với 350 tập đĩa tin đi kèm với giá 3.200 USD mỗi tháng.
Khi bắt đầu được thương mại hóa vào năm 1981, giá thành cho một chiếc "ổ cứng tủ lạnh" dung lượng 2,52 GB là 81.000 USD. Các ổ cứng 5,25 inch 5 MB đầu tiên trong thập niên 80 cũng được bán với giá 3.000 USD. Đó quả thực là một điều không tưởng khi 30 năm trước mọi người có thể cầm trên tay 1GB dễ dàng như hiện nay.
Ổ cứng ngày nay có thêm nhiều tính năng ngoài việc chỉ lưu trữ.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng sở hữu những chiếc ổ cứng với các tính năng cực kỳ hữu dụng thay vì chỉ lưu trữ đơn thuần. Ví dụ, với My Cloud, ổ cứng đám mây cá nhân, bạn có thể truy xuất dữ liệu bất cứ nơi đâu chỉ cần có mạng Internet hoặc 3G, thậm chí bạn còn có thể xem hình ảnh và dữ liệu trong ổ cứng để tại nhà trong khi đang đi công tác.
Hay với My Passport Wireless, ổ cứng kết nối không dây, người dùng có thể kết nối tới 8 thiết bị cùng một lúc, được trang bị khe thẻ nhớ SD tự động sao lưu dữ liệu.
Tuấn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét